Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối

Ung thư phổi đã và đang ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Giai đoạn cuối là giai đoạn phát triển nặng nhất của ung thư phổi. Vậy, ung thư phổi giai đoạn cuối có biểu hiện như thế nào? Có thể chữa được không? YouMed sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc ngay sau đây!

Đặc điểm ung thư phổi giai đoạn cuối

Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối
Ung thư phổi giai đoạn cuối đã và đang ngày càng trở nên phổ biến

Ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi phổ biến nhất. Tế bào ung thư trong nhóm này phát triển nhanh và lây lan mạnh hơn hẳn các loại tế bào khác. Ung thư phổi giai đoạn cuối được chia thành hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 4a: ung thư đã lan rộng bên trong phổi hoặc đến một khu vực lân cận ngoài phổi.
  • Giai đoạn 4b: ung thư đã di căn đến một cơ quan nào đó nằm xa phổi, ví dụ như não, gan hoặc xương.

Có thể bạn sẽ cho rằng khả năng phát hiện ra ung thư phổi giai đoạn 4 là rất thấp, thường sẽ phát hiện ở giai đoạn sớm hơn? Theo Viện ung thư quốc gia (NCI), có đến 57% ung thư phổi và phế quản được phát hiện ở giai đoạn 4.

Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối

Ung thư phổi giai đoạn cuối có biểu hiện thay đổi theo thời gian. Từ chán ăn, khó thở đến thay đổi cảm xúc.

Một số thay đổi về tâm linh, tín ngưỡng ở người bệnh (dù họ có theo đạo hay không). Hãy hỗ trợ, tôn trọng quan niệm tâm linh của bệnh nhân ung thư phổi. Đây là một trong những cách được NCI khuyến cáo để giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh ung thư.

Các triệu chứng chính của ung thư phổi giai đoạn cuối:

Triệu chứng khi tồn tại một khối u trong phổi

Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối
Khó thở và đau ngực là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi
  • Cảm giác thở hụt hơi
  • Thở khò khè, tiếng thở lớn
  • Khàn tiếng
  • Ho dai dẳng kéo dài
  • Ho ra máu
  • Cảm giác đau ngực, lưng, lan lên vai hoặc cánh tay
  • Viêm phổi hoặc viêm phế quản tái phát nhiều lần

Triệu chứng khi khối u di căn đến một cơ quan khác

Bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, sụt cân đột ngột không chủ ý. Tùy theo vị trí khối u di căn đến mà sẽ có thể có các biểu hiện khác nhau giữa các bệnh nhân:

  • Biểu hiện ở xương: khi ung thư phổi giai đoạn cuối di căn đến xương sẽ có các triệu chứng đau lưng, đau hông hoặc xương sườn.
  • Biểu hiện ở thực quản: gây khó nuốt. Giai đoạn đầu khó nuốt thực phẩm đặc, về sau khó nuốt cả thực phẩm đặc và lỏng.
  • Biểu hiện ở não: thường xuyên đau đầu, thay đổi thị lực. Đôi khi có thể gây co giật.
  • Biểu hiện ở gan: khối u xâm lấn gan có thể gây vàng da.

Ngoài ra, một số biểu hiện thay đổi tâm lý ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 có thể xảy ra. Bao gồm: lo lắng, phiền muộn, kiệt sức, cảm giác thờ ơ, thiếu năng lượng. Khi bạn thấy xuất hiện các triệu chứng kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm nhất có thể.

Chữa ung thư phổi giai đoạn cuối như thế nào?

Cách điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối giai đoạn 4a hay 4b là khác nhau. Sự lựa chọn phương pháp phụ thuộc các yếu tố như: mức độ di căn, có đột biến gen xảy ra hay không và tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhân. Do tính chất phát hiện muộn, ung thư phổi giai đoạn 4 khiến quá trình theo dõi và điều trị trở nên khó khăn hơn.

Trước khi bắt đầu được điều trị, khối u của bệnh nhân có thể được kiểm tra đột biến di truyền. Ví dụ như EGFR – thụ thể tiếp nhận yếu tố tăng trưởng biểu bì. Phương pháp trị liệu nhắm thẳng mục tiêu sẽ được thiết lập nếu phát hiện có bất kỳ đột biến gen nào trong khối u của bệnh nhân.

Một số phương pháp điều trị

Một số phương pháp điều trị phổ biến sau không có khả năng chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối. Nhưng chúng giúp bệnh nhân sống lâu hơn, sống khỏe hơn, tốt hơn.

  • Hóa trị: có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương pháp trị liệu khác. Chẳng hạn như xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch.
  • Xạ trị: có thể được sử dụng để thu nhỏ kích thước khối u. Phương pháp này thường sử dụng ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 không đáp ứng hóa trị liệu.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: các loại thuốc như chất ức chế EGFR và chất ức chế ALK nhắm vào một số đột biến gen nhất định trong ung thư phổi. Điều này hỗ trợ làm chậm sự phát triển của khối u.
  • Liệu pháp quang động: đối với các tác nhân nhạy cảm ánh sáng, sử dụng ánh sáng để thu nhỏ khối u chưa lan ra ngoài phổi.

Chăm sóc giảm nhẹ

Một quan niệm sai lầm trước đây là chăm sóc giảm nhẹ chỉ nên được áp dụng trong ung thư phổi giai đoạn cuối. Trên thực tế, chăm sóc giảm nhẹ có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời ở bất kỳ giai đoạn nào trong hành trình ung thư của bệnh nhân. Theo một nghiên cứu năm 2019, những người mắc ung thư phổi giai đoạn 4 được chăm sóc giảm nhẹ có thể sống lâu hơn người không mắc bệnh.

Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối
Chăm sóc giảm nhẹ hỗ trợ làm dịu thể chất và tinh thần cho bệnh nhân

Chăm sóc giảm nhẹ là gì?

Chăm sóc giảm nhẹ là dịch vụ chăm sóc bổ sung được cung cấp cho người bệnh ngoài kế hoạch điều trị ung thư. Giúp người bệnh vượt qua nhiều thách thức của bệnh tật, như:

  • Quản lý tốt các cơn đau
  • Khó thở
  • Sự lo ngại, phiền muộn
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Chán ăn, buồn nôn
  • Táo bón

Vai trò của chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Chăm sóc giảm nhẹ hay còn được gọi là chăm sóc hỗ trợ. Phương pháp này hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về thể chất và tinh thần của một người bằng cách:

  • Giảm nhẹ các triệu chứng
  • Giảm căng thẳng
  • Điều tiết cơn đau

Ý nghĩa của chăm sóc giảm nhẹ

Cần lưu ý nếu bác sĩ đề nghị bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối chăm sóc giảm nhẹ. Điều đó không có nghĩa bệnh nhân sắp hết tuổi thọ hoặc các phương pháp điều trị ung thư không còn hiệu quả.

  • Chăm sóc giảm nhẹ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho cả bệnh nhân và gia đình của họ.
  • Chăm sóc giảm nhẹ đồng thời điều trị ung thư tích cực giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Giúp cải thiện cơn đau cho bệnh nhân ngay cả khi bệnh không thể chữa khỏi.
  • Khi các triệu chứng ung thư và tác dụng phụ của điều trị được kiểm soát tốt hơn, bệnh nhân có thể tuân thủ và đáp ứng điều trị hiệu quả hơn.

Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm những gì?

  • Thuốc giảm đau
  • Chế độ dinh dưỡng cân đối và lành mạnh
  • Chăm sóc tích hợp xoa bóp và chánh niệm
  • Loại bỏ dịch tích tụ quanh phổi, cải thiện hô hấp
  • Loại bỏ dịch tích tụ quanh tim để tim hoạt động tốt hơn
  • Các thủ thuật mở thông đường thở: quang động, laser và đặt stent
  • Tư vấn và hỗ trợ tinh thần
  • Giới thiệu đến dịch vụ khác như chăm sóc tại nhà hoặc hỗ trợ tài chính

Chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ gồm những ai?

Một số chuyên gia y tế trong chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm:

  • Bác sĩ, y tá và nhân viên xã hội được đào tạo đặc biệt về chăm sóc giảm nhẹ
  • Cố vấn
  • Chuyên gia dinh dưỡng
  • Dược sĩ

Ung thư phổi giai đoạn 4 sống được bao lâu?

Tỷ lệ sống sau 5 năm là tỷ lệ xác định trong 100 người bệnh có bao nhiêu người còn sống sau 5 năm phát hiện bệnh. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là 4.7%. Nghĩa là cứ 100 người mắc bệnh sẽ có khoảng 5 người sống được trên 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh.

Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối
Khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân phụ thuộc phần lớn vào tình trạng sức khỏe khi phát hiện bệnh

Tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Tuy nhiên, mỗi người bệnh có tiên lượng sống không giống nhau, phụ thuộc vào:

  • Tình trạng sức khỏe bệnh nhân hiện tại: nếu phát hiện bệnh khi sức khỏe bệnh nhân càng tốt thì tiên lượng sống càng cao hơn. Điều đó nghĩa là, bệnh nhân có khả năng chịu đựng tác dụng phụ điều trị tốt hơn. Đồng thời khả năng chống chọi với bệnh tật cũng cao hơn. Ngược lại, một bệnh nhân vốn sẵn có nhiều bệnh lý nền thì khả năng dung nạp và chịu đựng của bệnh nhân càng thấp.
  • Tuổi tác: các tài liệu nghiên cứu về mối liên quan giữa tuổi tác bệnh nhân và tiên lượng sống vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tình trạng sức khỏe vẫn đóng vai quan trọng hơn tuổi tác.
  • Giới tính: theo một nghiên cứu của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ. Nguy cơ mắc ung thư phổi ở nam là 1/15, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 1/17.
  • Chủng tộc: phụ nữ da đen có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn phụ nữ da trắng khoảng 10%. Ngược lại, nam giới da đen lại có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 20% so với nam giới người da trắng.
  • Khả năng đáp ứng thuốc điều trị: tùy cơ địa người bệnh phù hợp với loại thuốc nào. Nếu đáp ứng tốt với thuốc điều trị, khối u sẽ được kiểm soát. Từ đó nâng cao hơn tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.

Kết luận

Nhìn chung, ung thư phổi giai đoạn cuối không phải là không thể điều trị, không thể vượt qua. Điều quan trọng nhất là duy trì tinh thần lạc quan cho người bệnh, đồng thời tuân thủ tốt điều trị và phối hợp chăm sóc giảm nhẹ. Qua đó, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân sẽ được nâng lên đáng kể!