Hướng dẫn TO chức Đại hội Phụ nữ

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HÀ ĐÔNG

BAN THƯỜNG VỤ

Số: 162 /HD-BTV

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Đông, ngày 15 tháng 12 năm 2015

Công tác nhân sự để bầu Ban chấp hành tại Đại hội đại biểu phụ nữ Quận, cơ sở và bầu Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ nhất của Ban chấp hành

Căn cứ Điều lệ Hội LHPN Việt Nam và Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09  tháng 9 năm 2015 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; Căn cứ kế hoạch số 46/KH-BT ngày 12/10/2015 của BTV Hội LHPN Hà Nội; Thông tri số 03-TT/QU ngày 18/12/2015 của Quận ủy Hà Đông; Kế hoạch số 139/KH-BTV ngày 20/10/2015 của Hội LHPN quận Hà Đông về tổ chức đại hội phụ nữ các cấp và hướng dẫn số 09 ngày 15/12/2015 của BTV Hội LHPN Hà Nội

Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội hướng dẫn công tác nhân sự Đại hội phụ nữ quận và cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ Thành phố Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:

I.  Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành

Để đảm bảo công tác nhân sự Đại hội được thực hiện đúng quy định, Ban Chấp hành Hội LHPN quận và cơ sở có trách nhiệm xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội phụ nữ cấp mình. Khi phương hướng này được Ban Chấp hành thông qua, Ban Thường vụ có cơ sở chuẩn bị nhân sự.

1. Yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành

- Ban Chấp hành phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng. Có phẩm chất đạo đức trong sáng, đoàn kết, có uy tín, đủ năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ trong tình hình hiện nay.

- Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt của Hội LHPn quận và cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính liên hiệp, có sự kế thừa và phát triển, thực sự là những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ của hội.

2. Tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành

Đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, trong đó, chú ý:

- Tiêu chuẩn chung đối với ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN quận và cơ sở:

+ Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, gương mẫu. Bản thân không tham nhũng, lãng phí, có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực. Có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, ham học hỏi, cầu tiến bộ.

+ Có năng lực chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết của Ban Chấp hành. Phong cách làm việc sâu sát cơ sở, nhiệt tình, tâm huyết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; đoàn kết, phát huy được năng lực đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công.

+ Có khả năng phối hợp, vận động, thuyết phục quần chúng; có khả năng nghiên cứu; được hội viên, phụ nữ tín nhiệm.

+ Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

+ Đủ tuổi và sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Riêng đối với ủy viên Ban Chấp hành cấp cơ sở cần chú ý‎ tiêu chuẩn tự nguyện.

3. Tiêu chuẩn Ủy viên Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt

Ngoài đáp ứng tiêu chuẩn của ủy viên Ban Chấp hành, người tham gia Ban Thường vụ là những người tiêu biểu trong Ban Chấp hành. Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải là người qua thực tiễn thể hiện là có năng lực quản lý, lãnh đạo; có tư duy đổi mới, khả năng tổng hợp; có khả năng tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

Về trình độ:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận phải đạt trình độ đại học về chuyên môn; trung cấp lý luận chính trị và tương đương trở lên;

- Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở nói chung phải đạt trình độ học vấn tốt nghiệp phổ thông trung học, trung cấp về chuyên môn và sơ cấp về lý luận chính trị trở lên.

4. Cơ cấu Ban Chấp hành

4.1. Ban Chấp hành cần có cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện

* Cấp quận:

-  Lãnh đạo cơ quan chuyên trách Hội LHPN quận

-  Đại diện các phòng ban, ngành, đoàn thể có đông nữ, cá nhân tiêu biểu để đảm bảo tính liên hiệp của tổ chức Hội. Cơ cấu gồm:

* Cán bộ Hội:

+ Cấp quận: Gồm Thường trực Hội LHPN quận, cán bộ thuộc cơ quan chuyên trách huyện và cơ cấu Chủ tịch Hội cấp cơ sở. Khoảng từ 80% đến 85%.

+ Cấp cơ sở: đảm bảo cơ cấu gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban Thường vụ (đối với nơi có từ 09 ủy viên ban chấp hành trở lên) và các chi hội trưởng. Trường hợp có quá nhiều chi hội, việc cơ cấu bao nhiêu chi hội trưởng do BCH Hội LHPN cơ sở đề xuất cho phù hợp. Cơ cấu cán bộ Hội khoảng 85% đến 90%

* Cơ cấu ngành và cá nhân tiêu biểu: Đối với Hội LHPN quận khoảng 15% đến 20%.

Đối với cấp cơ sở khoảng 10% đến 15%.

Nhân sự giới thiệu phải là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể (trường hợp đặc biệt, có thể cơ cấu nhân sự có vị trí chức danh thấp hơn) và cá nhân tiêu biểu.

4.2. Cơ cấu độ tuổi

Nói chung đảm bảo 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành (dưới 30; từ 31 đến dưới 45; từ 45 tuổi trở lên):

- Đối với cơ cấu là cán bộ Hội chuyên trách:

+ Chức danh Chủ tịch Hội: do cấp ủy giới thiệu và hiệp y về nhân sự với Hội cấp trên. Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở tham gia lần đầu nhìn chung không quá 50 tuổi.

+ Các vị trí chức danh còn lại: không đủ thời gian công tác một nhiệm kỳ vẫn được tái cử (trừ trường hợp đã có thông báo nghỉ hưu).

- Đối với cơ cấu các ngành, đoàn thể: nói chung đủ tuổi tham gia ít nhất 01 nhiệm kỳ nếu tham gia lần đầu, nếu tái cử cần đủ ½ nhiệm kỳ.

- Đối với cơ cấu tiêu biểu( thuộc các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tôn giáo...): được cơ cấu theo vị trí chức danh.

- Riêng đối với ủy viên Ban Chấp hành cấp cơ sở:  độ tuổi cụ thể do cấp ủy và Ban Chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở quyết định căn cứ nguồn nhân sự của địa phương.

5. Số lượng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt

- Số lượng ủy viên Ban Chấp hành ở mỗi cấp do Đại hội cấp đó quyết định trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, số đơn vị hành chính; số lượng cán bộ chuyên trách; ngành đông nữ, cá nhân tiêu biểu.

+ Cấp quận: không quá 31 ủy viên.

+ Cấp cơ sở: không quá 27 ủy viên.

- Số lượng ủy viên Ban Thường vụ: do Ban Chấp hành khóa mới quyết định nhưng nhìn chung không quá 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành.

- Số lượng Phó Chủ tịch:

+ Cấp quận: không quá 02 Phó Chủ tịch. Trường hợp nhiều hơn sẽ do cấp ủy cùng cấp thống nhất với Hội phụ nữ thành phố quyết định.

+ Cấp cơ sở: 01 Phó Chủ tịch. Trường hợp nhiều hơn sẽ do cấp ủy cùng cấp thống nhất với Hội phụ nữ quận quyết định.

II. Quy trình chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt

1 Đối với cấp thành quận:

Bước 1: Lấy ý kiến của các Uỷ viên Ban Chấp hành khoá đương nhiệm

- Lấy ý kiến các uỷ viên Ban Chấp hành về bản thân tái ửng cử hay không tái ứng cử, lý do. Nếu không tái ứng cử thì giới thiệu người khác thay thế mình.

- Ghi ý kiến cá nhân về việc tái ứng cử hoặc không tái ứng cử Ban Chấp hành của từng uỷ viên Ban Chấp hành khoá đương nhiệm.

- Giới thiệu những nhân sự mới có đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành khoá tới  ngoài  nhân sự đang tham gia Ban Chấp hành khóa đương nhiệm.

- Giới thiệu nhân sự tham gia Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt (kể cả tái cử hoặc mới).

Ý kiến trên được thể hiện theo mẫu văn bản do Hội LHPN thành phố hướng dẫn. Văn bản có đóng dấu treo của Ban Chấp hành ở góc trên bên trái và gửi về Ban thường vụ tổng hợp kết quả phiếu giới thiệu nhân sự theo từng loại và  lập biên bản về kết quả giới thiệu nhân sự. Phiếu được niêm phong và giao cho Trưởng tiểu ban nhân sự quản lý.

Bước 2: Đối với nhân sự là cơ cấu cán bộ Hội chuyên trách:

Vòng 1: Cán bộ cơ quan chuyên trách Hội LHPN quận.

Đối với cơ cấu nhân sự là cán bộ cơ quan chuyên trách Hội LHPN quận: Nhân sự (gồm cả 04 chức danh: Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch) được giới thiệu theo trình tự sau:

+ Lấy ý kiến giới thiệu, phát hiện nguồn của cán bộ trong biên chế thuộc cơ quan

+ Lấy ý kiến giới thiệu tại hội nghị cán bộ chuyên trách

Vòng 2: Ban thường vụ Hội LHPN quận:

Tổng hợp ý kiến giới thiệu từ Hội nghị, Ban Thường vụ Hội LHPN quận họp, thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự cụ thể thuộc cơ quan chuyên trách theo số lượng dự kiến của Phương hướng nhân sự.

Bước 3: Đối với cơ cấu thuộc cán bộ chuyên trách Hội LHPN cơ sở; cơ cấu thuộc các sở, ngành, đoàn thể và tiêu biểu:

- Đối với cơ cấu thuộc cán bộ chuyên trách Hội LHPN cơ sở: Đảng BanThường vụ Hội LHPN quận có văn bản hiệp y về nhân sự gửi  Ban Thường vụ đảng ủy và Ban Thường vụ Hội LHPN cơ sở đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN khóa mới.

-  Đối với cơ cấu các ngành, đoàn thể:

Ban Thường vụ Hội LHPN quận có văn bản hiệp y  gửi cấp ủy các ngành, đoàn thể đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành.

Bước 4: Trình xin ý kiến Ban Chấp hành trước khi báo cáo BTV quận ủy và Hội LHPN thành phố

Căn cứ kết quả giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, phó Chủ tịch khóa mới của 03 bước trên, Ban Thường vụ  Hội LHPN quận họp, thống nhất danh sách nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, phó Chủ tịch khóa tới trình Ban Chấp hành khóa đương nhiệm để Ban Chấp hành thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu. Trên cơ sở phiếu giới thiệu, Ban Chấp hành khóa đương nhiệm sẽ nghiên cứu, đưa vào danh sách chính thức để báo cáo BTV quận ủy và Hội LHPN thành phố.

* Căn cứ vào tiến độ chuẩn bị Đại hội, Hội LHPN quận thực hiện quy trình nhân sự, đảm bảo hoàn thành chậm nhất trước thời gian tổ chức Đại hội 01 tháng.

Bước 5 : Báo cáo Cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp

Căn cứ vào quá trình chuẩn bị nhân sự và Danh sách nhân sự dự kiến giới thiệu bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban thường vụ Hội đương nhiệm sẽ báo cáo, xin ý kiến BTV quận ủy quyết định; sau khi có ‎ý kiến của cấp ủy (bằng văn bản) thì báo cáo Hội LHPN thành phố. Khi có Thông báo Kết luận của Quận ủy và BTV Hội LHPN thành phố, Ban Thường vụ tiếp thu, hoàn thiện, trình Ban Chấp hành phiên họp cuối cùng trước khi diễn ra Đại hội.

2 Đối với cấp cơ sở

Bước 1: Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm cho ý kiến về:

-  Việc tái ứng cử hay không tái ứng cử của bản thân; đề xuất người thay thế nếu không tái ứng cử.

- Việc tái ứng cử hoặc không tái ứng cử của từng uỷ viên Ban Chấp hành khoá đương nhiệm.

- Giới thiệu những nhân sự khác ngoài Ban Chấp hành đương nhiệm có đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành khoá tới.

- Giới thiệu nhân sự tham gia Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt.

Bước 2: Giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành của các chi hội:

- Tổ chức Hội nghị chi hội (toàn thể hoặc đại diện hội viên do Ban Chấp hành cấp cơ sở thống nhất) để lấy ‎ý‎ kiến giới thiệu về nhân sự dự kiến Ban Chấp hành khóa mới theo cơ cấu quy định.

- Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng đến chi hội trưởng giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

Bước 3. Trình xin ý kiến Ban Chấp hành trước khi báo cáo Đảng ủy cơ sở và Hội LHPN quận

Trên cơ sở bước 1 và bước 2, Ban Chấp hành khóa đương nhiệm họp, thảo luận thống nhất về số lượng, cơ cấu và chốt danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới.

Bước 4. Báo cáo Đảng ủy cơ sở và Hội LHPN quận

Căn cứ vào quá trình chuẩn bị nhân sự nêu trên và Danh sách nhân sự dự kiến giới thiệu  bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ Hội LHPN cấp cơ sở báo cáo, xin ý kiến Đảng ủy cơ sở quyết định; khi có văn bản của Đảng ủy thì báo cáo Hội LHPN quận. Khi có Thông báo của Cấp ủy và Hội LHPN quận, Ban Thường vụ tiếp thu, hoàn thiện, trình Ban Chấp hành kỳ họp cuối cùng trước khi diễn ra Đại hội.

(Lưu ý: thời gian tiến hành các bước của quy trình chuẩn bị nhân sự BCH, BTV, các chức danh chủ chốt của Hội LHPN cơ sở ngay sau hội nghị các chi hội và trước 20 ngày dự kiến đại hội)

III. Hướng dẫn quy trình, thủ tục ứng cử, đề cử tại Đại hội

Để công tác nhân sự tại đại hội đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc và thực sự dân chủ, sau khi đại hội biểu quyết về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành khóa mới, Đoàn Chủ tịch đại hội sẽ báo cáo trước đại hội về dự kiến danh sách nhân sự để bầu Ban Chấp hành khóa mới do Ban Chấp hành khóa đương nhiệm chuẩn bị; thực hiện chia tổ thảo luận về các nhân sự cụ thể do Ban Chấp hành khóa đương nhiệm giới thiệu và thực hiện việc ứng cử, đề cử nhân sự ngoài danh sách (nếu có). Hướng dẫn này sẽ gợi ý cách thức thực hiện việc ứng cử, đề cử thông qua các bước sau:

1. Các đại biểu làm việc tại Đoàn:

1.1. Các đoàn quán triệt, thống nhất nhận thức về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Uỷ viên Ban chấp hành Hội LHPN mà đại hội đã thông qua.

1.2. Các đại biểu tự nghiên cứu danh sách trích ngang và hồ sơ cá nhân của các đại biểu được Ban chấp hành Hội LHPN khóa đương nhiệm đề cử (trước khi tiến hành ứng cử, đề cử).

1.3. Các đại biểu tiến hành ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành Hội LHPN khóa mới (ngoài danh sách nhân sự do Ban chấp hành Hội LHPN cấp triệu tập giới thiệu) bằng cách ghi vào phiếu ứng cử, đề cử theo mẫu in sẵn (do Đoàn Chủ tịch Đại hội phát ra).

Trưởng đoàn tổng hợp các danh sách theo mẫu in sẵn, gồm:

- Danh sách đại biểu tự ứng cử

- Danh sách đại biểu được đề cử

Chú ý:

+ Việc ứng cử, đề cử thực hiện theo Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội;

+ Đối với mỗi đại biểu được đề cử, cần ghi rõ có bao nhiêu đại biểu trong đoàn cùng đề cử.

Sau buổi thảo luận, các đoàn gửi biên bản và phản ánh cho Đoàn Chủ tịch đại hội tại địa điểm theo quy định. Đoàn Chủ tịch đại hội tổng hợp danh sách chung sau thảo luận, theo các nội dung: Đại biểu tự ứng cử; Đại biểu được đề cử.

2. Đoàn chủ tịch thông báo tới các trưởng đoàn kết quả thảo luận của các đoàn về danh sách đại biểu tự ứng cử, đại biểu được đề cử thêm ngoài danh sách của Ban Chấp hành khóa đương nhiệm giới thiệu .

3. Các đoàn họp lần thứ hai để thảo luận về danh sách tự ứng cử, đề cử của đại biểu và điều hành việc cho rút ứng cử, đề cử

3.1 Thông báo danh sách tự ứng cử, được đề cử để các đại biểu thảo luận.

3.2. Điều hành việc cho rút ứng cử, đề cử.

3.3. Sau thảo luận, các đoàn tổng hợp theo các nội dung sau để trưởng đoàn báo cáo với Đoàn Chủ tịch Đại hội:

- Đại biểu tự ứng cử xin rút.

- Đại biểu đề cử xin rút ý kiến đề cử của mình.

- Đại biểu được đề cử xin rút.

Đối với trường hợp tự nguyện rút (ứng cử và đề cử) thì Đoàn Chủ tịch Đại hội xem xét, quyết định và báo cáo trước Đại hội (không phải xin ý kiến Đại hội).

4. Đoàn Chủ tịch Đại hội xin ý kiến Đại hội về việc cho rút đối với trường hợp được giới thiệu nhưng không tự nguyện rút. Đối với trường hợp này, Đoàn Chủ tịch đại hội cần cho đại biểu thảo luận về cơ cấu trước khi tiến hành biểu quyết chốt danh sách.

IV. Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất

1. Thẩm quyền triệu tập và chủ trì Hội nghị:

Chủ tịch Hội LHPN quận và cơ sở khóa đương nhiệm có trách nhiệm triệu tập các ủy viên Ban Chấp hành vừa được bầu tham dự kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành và chịu trách nhiệm chủ trì để Ban Chấp hành bầu chủ tọa hội nghị.

2. Nội dung Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất:

-   Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất được tổ chức để bầu Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch, bầu Phó Chủ tịch;

-  Trường hợp nhân sự dự kiến để bầu giữ các chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch không trúng cử Ban Chấp hành thì không tổ chức kỳ họp thứ nhất. Ban Chấp hành sẽ họp vào thời điểm phù hợp khi đã chuẩn bị được nhân sự theo quy trình và quy định về phân cấp quản l‎ý‎‎ cán bộ.

-  Quyền ứng cử, đề cử tại Hội nghị:

+ Chỉ những ủy viên Ban Chấp hành mới được đề cử để bầu vào Ban Thường vụ; ủy viên Ban Thường vụ mới được đề cử để bầu giữ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

+ Chỉ những uỷ viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị mới được quyền đề cử nhân sự để bầu vào Ban Thường vụ và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp mình.

+ Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt khóa tới, xin ý kiến cấp uỷ Đảng cùng cấp theo quy định. Khi có ‎‎ý kiến giới thiệu của cấp ủy, báo cáo nhân sự với  Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp trên trực tiếp. Danh sách này được chủ tọa báo cáo trong Hội nghị sau khi Hội nghị biểu quyết thống nhất về Đề án nhân sự.

3. Chuẩn y kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch

- Chậm nhất 10 ngày sau đại hội, Ban Thường vụ khóa mới phải gửi hồ sơ đề nghị chuẩn y kết quả về Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

+ Tờ trình đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử.

+ Biên bản bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch;

+ Danh sách trích ngang.

(Hồ sơ nêu trên đề nghị đánh phông chữ Time New Roman gửi Hội cấp trên bằng văn bản và qua hòm thư điện tử)

- Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban Thường vụ cấp dưới về kết quả bầu cử,

- Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp xem xét, chuẩn y danh sách Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh đã được bầu.

Căn cứ Hướng dẫn này, đề nghị Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ các cơ sở nghiên cứu, thực hiện; nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông.

Nơi nhận:

- TT Hội LHPN thành phố

- Ban Tổ chức Hội LHPN thành phố;

- Thường trực Quận ủy;

- Ban Tổ chức, Ban Dân vận Quận ủy

- Uỷ viên BCH Hội LHPN quận khóa XIX;

- Hội LHPN các cơ sở và đơn vị trực thuộc;

- Lưu : VP

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hảo